1. Từ Tuy Hoà, tuyến xe buýt của hãng Quyết Thắng chạy thẳng tới Vạn Ninh cách đó 60km. Từ Vạn Ninh, bắt tiếp xe ôm đi, chỉ khoảng 5-10 phút là tới cảng Vạn Giã. Tại đây, thuyền tàu tấp nập đưa khách vào đảo Điệp Sơn. Đó là cách thức để đến Điệp Sơn, thật dễ dàng. Nhưng, đó là câu chuyện của những ngày trước dịch COVID-19. Còn hôm tôi đi, gọi điện thoại cho các chủ tàu canô, ai cũng thông báo, tàu chở khách không còn hoạt động. Nếu tôi muốn đi Điệp Sơn, buộc phải thuê riêng một chiếc canô. Nghe đã thấy nản lòng vì chi phí thuê ca nô từ 3-4 triệu đồng. Đã vậy, chủ homestay trên đảo cho hay không thể đón tiếp khách ngủ lại qua đêm. Đảo Điệp Sơn không có nhà nghỉ khách sạn, nên ở homestay với chủ nhà là phương án duy nhất. Hành trình ra đảo trở ngại khó khăn, tôi định bỏ cuộc. Thế nhưng, đâu đó trong tôi vẫn không bỏ cuộc. Cố gắng gọi, hỏi thêm nhiều người nữa, cuối cùng cũng có “ánh sáng cuối đường hầm”. Mỗi ngày có một chuyến tàu dân sinh chở hàng hoá và người dân từ đảo ra đất liền. Tàu sẽ trở về đảo vào lúc 8h sáng. Tôi có thể quá giang chuyến tàu này vào Điệp Sơn và trở ra đất liền vào sáng sớm hôm sau. Việc ngủ lại trên đảo, một ngư dân đồng ý cho tôi ở nhờ. “Nhà tui không có phòng ốc gì đâu, nếu ở lại phải ngủ ngoài trời, cô chịu được không? Ăn uống thì nhà tui ăn gì thì cô ăn nấy”. Dĩ nhiên, tôi vui mừng gật đầu. Đến cảng Vạn Giã rồi, thấy chiếc tàu nằm đó rồi mà tôi vẫn chưa yên tâm. Chỉ đến khi được lên tàu, tàu nổ máy quay đầu vào đảo, tôi mới thực sự tin rằng mình sắp đến hòn đảo nổi tiếng này. Bởi niềm háo hức đó mà mùi hôi của dầu máy xen lẫn đủ thứ mùi vị của những hàng hoá trên tàu không làm tôi khó chịu chút nào. Đường đến đảo Điệp Sơn, tàu đi ngang qua những hòn đảo hoang sơ, cây cối xanh tươi. Cảnh vật khiến tôi liên tưởng đến hồ Titicaca ở Bolivia, nơi được mệnh danh là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới ở trên cao. Cũng mặt nước mênh mông phẳng lặng và lướt qua những hòn đảo đủ hình thù.